1-2 năm đầu làm mẹ, mình cũng giống bao bà mẹ trẻ, thích mua thật nhiều đồ cho con, thấy gì xinh là mang về cho con chơi, hy vọng con sẽ phát triển não bộ thật mạnh mẽ với hàng tá món đồ được gắn nhãn “đồ chơi thông minh”. Thực tế là cuối cùng, mỗi món con chơi được tí lại chán, mỗi phần lại vứt lung tung khắp các xó xỉnh, đến khi con bày thì ôi thôi trải khắp phòng toàn đồ chơi của con,…
Sau 1 năm quyết tâm thực hiện tối giản trong gia đình và việc mua sắm đồ chơi cho Khủng Long, mình nhận thấy đồ chơi rất quan trọng với sự phát triển của trẻ, nhưng quá nhiều đồ chơi lại làm mất đi sự hiệu quả của chúng.
Quan sát sự trưởng thành của Khủng Long, mình tổng kết được 7 lợi ích vô cùng to lớn khi Khủng Long sở hữu ít đồ chơi hơn:
Con học được cách sáng tạo hơn
Việc quá nhiều đồ chơi sẽ khiến con không thể phát triển toàn diện trí tưởng tượng bẩm sinh của mình. Thay vào đó, việc sở hữu ít đồ chơi khiến con liên tục phải nghĩ ra nhiều cách khác nhau để chơi với số đồ đã có và sáng tạo ra những trò chơi vô cùng thú vị.
Con tập trung tốt hơn
Khi có quá nhiều đồ chơi, con sẽ luôn bị phân tâm và quãng thời gian con có thể tập trung sẽ bị ảnh hưởng. Con cũng khó lòng biết trân trọng trọn vẹn món đồ chơi trước mắt nếu có vô vàn sự lựa chọn khác ở tủ đồ chơi đang đợi mình.
Con có thể xây dựng mối quan hệ xã hội tốt hơn
Khi có ít đồ chơi, đám trẻ sẽ học cách cho và nhận, học cách kiên nhẫn chờ đợi nhau và học cách chia sẻ đồ chơi cho nhau. Mình nhận ra khi xảy ra tranh chấp với các bạn, Khủng Long sẽ dễ dàng hiểu lý do vì sao xảy ra việc tranh giành đồ chơi giữa các bạn với nhau và đưa ra được phương án tránh lặp lại việc tranh chấp ấy để có thời gian chơi chung ôn hòa hơn.
Con có thời gian quan tâm đến việc đọc sách và các môn nghệ thuật khác
Việc Khủng Long có thể tập trung đọc sách và ham mê vẽ vời như hiện tại, mình nghĩ một phần cũng đến từ việc con có ít đồ chơi đi. Thay vì dành quá nhiều sự phân tâm cho việc lăn lộn trong đống đồ chơi, con có nhiều thời gian hơn để phân bổ cho những thói quen tốt giúp rèn sự tập trung và phát triển 2 bán cầu não qua việc đọc sách, nghe nhạc, tô màu, vẽ tranh,… Bên cạnh đó, con còn biết trân trọng cái đẹp, cảm xúc bản thân và mở rộng thế giới xung quanh.
Con học được tính kiên trì hơn
Mình quan sát những bạn có quá nhiều đồ chơi thì sẽ thiếu sự nhẫn nại, nhanh chóng từ bỏ và luôn có xu hướng muốn đáp ứng sự thoả mãn cá nhân. Vì vậy khi gia đình mình thực hiện viết giảm bớt đồ chơi cho con, tập trung vào chất lượng món đồ chơi thay vì số lượng, nghĩ về những trò chơi có thể thực hiện với chúng, cùng với việc con phải tìm tòi sáng tạp ra cách chơi thì trong quá trình đó, con cũng học được tính nhẫn nại để làm mới món đồ chơi của mình.
Con có cơ hội được trải nghiệm thiên nhiên nhiều hơn
Như trong bài trước mình có chia sẻ về 4 cách đã giúp nhà mình chưa bao giờ ngập trong đồ chơi của trẻ, mình có đề cập về việc cho con ra ngoài chơi nhiều hơn. Điều đó vừa giúp con có cơ hội hòa hợp, tận hưởng thiện nhiên, tăng cường các hoạt động thể chất. Nhờ vậy mình thấy Khủng Long linh hoạt hơn, khỏe mạnh hơn và cũng vui vẻ hơn.
Con biết giữ vệ sinh và sạch sẽ hơn
Tất nhiên rồi, ít đồ chơi sẽ khiến nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ hơn. Con cũng vì ít đồ chơi mà không ngại chuyện dọn dẹp ngăn nắp sau mỗi lần chơi xong. Những thói quen nhỏ tạo thành thói quen lớn, mình nhận thấy Khủng Long cũng ý thức được việc giữ cho cơ thể và môi trường sống của mình ít bừa bộn hơn.
———
Đồ chơi không chỉ để chơi. Đồ chơi là nền tảng để xây dựng những tư duy, hiểu biết của con cho sau này. Đồ chơi dạy con hiểu biết về thế giới xung quanh và bản thân mình. Đồ chơi gửi đi thông điệp và truyền tải nhiều giá trị.
Vì vậy, thông qua bài viết này, mình mong cha mẹ sẽ cân nhắc chọn đồ chơi để tạo nền tảng thích hợp cho trẻ nhỏ thay vì bị cuốn theo những chiêu trò bán hàng hay ám ảnh cho con tất cả những gì tốt nhất.
Có ít đồ chơi hơn, thực sự có lợi cho con về lâu, về dài.