Dù mình là người hay bày nhưng thật sự mà nói, mình không hề thích trạng thái bừa bộn xuất hiện trong căn nhà chưa đầy 70m2 này một chút nào. Trong khả năng, mình sẽ luôn cố gắng để ngôi nhà ngăn nắp nhất có thể. Vì vậy, nếu tình trạng đồ chơi của con rải đầy từ phòng ngủ ra phòng khách, từ bàn học đến bàn ăn thì quả là một sự ám ảnh khủng khiếp.
Biết cái tính mình thế nên ngay từ khi dọn ra ở riêng, mình đã đưa ra 4 quy định về việc quản lý đồ chơi của con để đảm bảo chúng sẽ không bao giờ được phép chiếm dụng hết diện tích căn nhà.
TỐI GIẢN ĐỊNH KỲ
Cứ cách 2-3 tháng, mình sẽ cùng con kiểm kê lại toàn bộ “đồ chơi” của Khủng Long. Chỗ đồ đó sẽ bao gồm cả đồ chơi ra tấm ra món lẫn đồ chơi con tự tha lôi theo trí tưởng tượng của mình: khi là cái lá, lúc là viên sỏi, đôi khi là những miếng giấy cắt dán hay túi nilon,…
Con sẽ được giữ lại tối đa 10 món đồ chơi con yêu thích. Chỗ đồ chơi còn lại con không sử dụng đến hoặc không thích nữa, mình sẽ đem đi từ thiện hoặc thanh lý cho các bạn cần đến chúng hơn.
CẤT GỌN NGAY SAU KHI SỬ DỤNG XONG
Với diện tích chỉ vỏn vẹn 64m2, nhà mình không hề có kho chứa đồ riêng. Toàn bộ đồ chơi của Khủng Long sẽ nằm trong phòng của con và được phân bố ở tủ đồ chơi, bàn học và các kệ treo. Mỗi lần con chơi xong ở bất kỳ khu vực nào dù là trong phòng ngủ hay ngoài phòng khách bếp, mình đều yêu cầu con dọn dẹp, cất đồ chơi về đúng vị trí. Ví dụ như sách cần trả về kệ để sách, hộp màu và giấy cất trong ngăn bàn học, đồ chơi cần cho vào hộp,…
Thói quen này đã được duy trì từ khi Khủng Long 15 tháng tuổi và trở thành công việc nhà đầu tiên của con bé. Mình nghĩ đây cũng là cơ hội để con học cách bảo quản và giữ gìn đồ của mình, trân trọng những món đồ chơi mà mình đang có.
GIỚI HẠN KHU VỰC CHỨA ĐỒ CHƠI
Dù trước đây ở căn nhà 91m2 hay về ở căn hộ bé hơn như hiện tại, mình đều sử dụng chiếc tủ để đồ chơi không quá 9 ngăn. Đồ chơi của con chỉ được phép để trong tủ đồ chơi đó.
Không chỉ đồ chơi của con mình mới giới hạn về không gian như vậy mà cả tủ quần áo, chỗ để giày dép hay tủ sách, ngăn đồ gia dụng,… mình đều quy định một khoảng chứa nhất định. Điều đó giúp mình quản lý được số món đồ chơi mà con đang có và kiểm soát được những sự thích thú mua sắm nhất thời cho con. Khi sự mua sắm có kiểm soát, tự khắc bản thân cha mẹ cũng sẽ cân nhắc nhiều hơn về món đồ mình sẽ mua, chất lượng sử dụng và thời gian sử dụng để tránh tạo thêm rác thải ra môi trường.
THƯỜNG XUYÊN RA KHU VUI CHƠI
Khi các sàn thương mại điện tử ra sức kích thích mua sắm bằng các chính sách về vận chuyển, giảm giá, liên tục quảng cáo về những sản phẩm cho trẻ em đang thịnh hành… thì mình luôn tìm cách tránh những lời mời gọi đó bằng việc đưa con đi hiệu sách và ra khu vui chơi gần nhà cuối mỗi tuần. Ở đó không chỉ có những hoạt động thể chất như leo núi, ném bóng, trượt cầu,… mà còn cả những trò chơi nhẹ nhàng như làm đầu bếp, bác sĩ, lắp lego, câu cá,…
Bằng cách này mình vừa có thể vừa tiết kiệm chi phí đầu tư đồ chơi cho con, giữ căn nhà gọn gàng lại cho con được ra ngoài trải nghiệm nhiều hơn.
——————
Tóm lại thì trẻ con đơn giản lắm, cứ có đồ chơi là vui rồi, thậm chí càng ít lại càng vui. Bởi vì khi càng ít đồ chơi, con càng khám phá ra được nhiều cách chơi khác mà mình không ngờ tới. Như Khủng Long nhiều lần lấy cả đống pin cũ của mẹ ra làm bánh, hay là dùng giấy cắt ra đắp chăn cho các bạn thú mini, rồi dùng bao vải đựng cốc của mẹ treo lên cửa sổ tạo thành ống nhòm,… rồi cười nắc nẻ.
Nên lối sống tối giản khi nhà có con nhỏ với mình không hề khó khăn hay phức tạp. Quan trọng là bố mẹ đang cho phép mình hình thành cho con thói quen gì ở trong nhà mà thôi. Suy nghĩ một chút, bỏ công một chút, có lẽ nhiều năm sau con sẽ cảm ơn vì ngày hôm nay bố mẹ đã dạy mình về sự gọn gàng và lòng biết ơn với những gì mà con đang có đấy.